Thật ra tên gọi Cao lầu cũng bắt nguồn từ việc món ăn này thường được bày bán trên tầng hai và sân thượng ở các quán ăn nơi phố Hội, phía trên có treo đèn lồng, thực khách vừa ngồi ăn thưởng thức mỹ vị đậm đà của món ăn vừa ngắm phố cổ Hội An bình yên, lãng mạn.

Món đặc sản Hội An này không chỉ đặc biệt ở tên gọi lạ tai mà đặc biệt hơn cả là ở công thức chế biến, từ khâu chọn lựa và xử lý nguyên liệu đến thứ nước sốt và rau thơm. Tất cả đã làm nên sự tinh tế, khó quên cho một tô Cao lầu đầy đặn, màu sắc bắt mắt, là linh hồn ẩm thực của phố cổ.

Nói đến những bước chế biến Cao lầu, đó là một quá trình công phu, tỉ mỉ và chứa đựng cả một cái tâm của người đầu bếp. Tinh túy của món đặc sản này là ở sợi mì. Sợi mì được làm từ loại gạo dẻo thơm nhất, ngâm bằng nước tro nấu củi lấy từ Cù Lao Chàm.

Gạo sau khi ngâm sẽ được xay với nước giếng Bá Lễ vừa trong vừa mát nổi tiếng ở Hội An. Gạo xây xong được đưa vào hấp nhiều lần và đem ra xắt sợi, phơi khô thành những sợi mì giòn giòn dai dai.

Chính từ công thức và nguyên liệu độc đáo đó mà hoàn toàn không sai khi nói rằng Cao lầu là món đặc sản của Hội An mà việc phải thưởng thức chúng tại điểm du lịch Hội An là rất xứng đáng. Bởi không nơi nào mang lại hương vị đặc trưng đúng chất Cao lầu như ở phố Hội.

Ngồi trên lầu cao ngắm phố Hội, trước mặt là một tô Cao lầu với những sợi mì vàng ươm, bên trên phủ bởi thịt xíu (được làm từ thịt heo cỏ tơ thịt săn, mềm và thơm), da heo chiên giòn, tóp mỡ, giá trụng, rau thơm Trà Quế và một ít nước sốt từ thịt xíu thơm thơm đem tới cho thực khách một trải nghiệm ẩm thực vô cùng độc đáo, đặc sắc và khó quên mà chỉ có Hội An mới mang lại đúng nghĩa cho du khách.